Giáo dục dạy nghề: Chìa khoá đi vào hiện đại hoá
Việt Nam cần khẩn trương học những tấm gương lịch sử sáng chói của Nhật Bản hay Đức, nếu thật sự muốn canh tân đất nước không còn con đường nào khác hơn cần lập ngay những tổ nghiên cứu để học hỏi cụ thể và nghiêm túc từ hai quốc gia này, và thực hiện cho bằng được một công cuộc dạy nghề quy mô lịch sử cho đất nước. Đó sẽ là thế mạnh của quốc gia và là niềm vinh hạnh cho đất nước này.
NHẬT BẢN
Đến nay Nhật Bản đã trải qua hai lần cải cách giáo dục một cách qui mô, chịu ảnh hưởng rất lớn của Mỹ. Thời Minh Trị Duy Tân, với hai cố vấn nổi tiếng là các ông David Muray và Marion McCarrell Scott, và sau Thế chiến thứ hai với đoàn tham vấn về giáo dục của Chính phủ Hoa Kỳ.
Chỉ bốn năm kể từ khi nắm quyền bính, thống nhất đất nước, năm 1872 Minh Trị thiên hoàng đã áp dụng chính sách “hiện đại hoá” chế độ giáo dục và chính sự thành công của việc cải cách này đã tạo ra tiền đề to lớn để cải cách toàn xã hội, hay nói khác đi Minh Trị đã dùng giáo dục để nâng cao dân trí thông qua việc hoàn thiện hệ thống giáo dục mới, trong đó chủ yếu phổ cập hoá cấp tiểu học trên toàn lãnh thổ, đồng thời từng bước xây dựng giáo dục cấp II (cơ sở) và cấp III (phổ thông). Năm 1920, phổ cập tiểu học đạt 99%.
Nhưng trọng tâm là ưu tiên tổ chức trường tu nghiệp, dạy nghề cho thanh thiếu niên và trung cấp chuyên nghiệp một cách có hiệu quả, lấy đó làm đòn bẩy để xây dựng một xã hội “phương Tây kiểu Nhật Bản” mới, phù hợp với xu thế phát triển. Các loại trường dạy nghề cho thanh niên được thành lập, các khoá đào tạo nông, công, lâm, ngư nghiệp, thuỷ sản, dệt… cấp trung học cơ sở được tổ chức, giúp hình thành lực lượng công nhân là những người gánh vác kế hoạch phát triển chắc chắn cho việc “cận đại hoá” (tiếng Nhật sử dụng thuật ngữ “cận đại hoá”) nền kinh tế và xã hội trong suốt một thế kỷ.
Đây cũng là tiền đề của hệ thống giáo dục ngày nay, trong đó vai trò cơ bản của lao động có kỹ năng và kỷ luật đã được xác lập trong suốt quá trình công nghiệp hoá.
Mặt khác, chủ trương phát triển giáo dục cấp cao, làm đầu tầu cũng được quan tâm, hình thành rất sớm hệ thống đại học và sau đại học trên cơ sở phát triển “trường chuyên môn”, trong đó những đóng góp hữu hiệu của các chuyên gia từ các nước tiên tiến được đánh giá rất cao, giữ vai trò trọng yếu trong chiến lược hiện đại hoá nền giáo dục nói chung và công cuộc cách mạng kỹ nghệ nói riêng của Minh Trị Duy Tân. Hệ thống giáo dục đại học bắt đầu từ sáu trường đại học hoàng gia và công lập lần lượt được thành lập từ năm 1877 trên cả nước (Tokyo, Kyoto, Kyushu, Tohoku, Hokkaido, Osaka) và cả với các đại học tư thục (như Waseda, Keio, Doshisha…).
Ngay từ đầu, nhà nước Minh Trị đã nhằm mục đích nhanh chóng sản sinh ra một lớp công nhân có tay nghề thích hợp và cần thiết cho phát triển đất nước với một tinh thần trách nhiệm trong thái độ lao động triệt để. Kết quả là Nhật Bản, từ vị trí một nước nông nghiệp, lạc hậu về kỹ thuật từ cuối thế kỷ 19, đã trở thành một nước có nền công nghiệp phát triển rực rỡ. Một kết quả khác của nền giáo dục này còn là những thành công to lớn và cơ bản trong việc quản lý chất lượng hàng hoá trong sản xuất sau này.
Từ cuối thế kỷ 19 đã có nhiều đoàn chuyên gia cấp cao của Nhật Bản (đặc biệt là Iwakura Tomoni, đại sứ từng làm việc ở Mỹ năm 1860, châu Âu lần 1 vào năm 1862 và lần 2 năm 1863) tổng cộng 48 người lặn lội đi các nước từ Mỹ sang châu Âu từ tháng 12-1871 đến tháng 9-1872 để tìm kiếm phương cách đổi mới qua việc học tập kinh nghiệm của Mỹ về y khoa, luật, kỹ thuật quân sự; sang châu Âu để học công nghiệp và giáo dục kỹ thuật của nước Anh, y tế của Hà Lan, tổ chức chính quyền theo kiểu Đức…
Điều đáng lưu ý là trước khi “chế độ giáo dục” mới chính thức được ban hành vào năm 1872 thì ngay từ khi bắt tay soạn thảo những năm trước đó, chính phủ đã lập ra một hội đồng gồm bảy học giả “Tây học”, hai người theo Hán học và Quốc học, ba cán bộ hành chính (cũng là nhà giáo theo Tây học), trong đó uỷ viên học từ Pháp chiếm vị trí quan trọng hơn cả (ngoài ra còn có các vị học từ Đức, Anh, Hà Lan cũng có ảnh hưởng không nhỏ. Thực tế này chứng tỏ ngay từ đầu Nhà nước Minh Trị đã vận dụng mọi khả năng để tiếp cận với nền giáo dục tiên tiến của nhiều nước. Mặt khác, lần đầu tiên khái niệm về “trường chuyên môn” (dạy nghề) xuất hiện khi bộ luật này được bổ sung vào năm 1873.
Chỉ trong vòng 20 năm kể từ khi “duy tân”, với chính sách “gây dựng kỹ nghệ”, Nhật Bản đã hội đủ điều kiện để nhảy vào cuộc cách mạng kỹ nghệ vào năm 1890. Bộ trưởng Giáo dục Inoue Kowashi dã đẩy mạnh giáo dục - dạy nghề công nghiệp, đưa ra chương trình giáo dục “thực nghiệm, kỹ thuật và khoa học kết hợp” với sự tham gia giảng dạy của nhiều chuyên gia nước ngoài. Hàng loạt trường chuyên môn, trường giáo dục thực nghiệm, trường thanh niên (đào tạo nghề ngắn hạn) đã ra đời năm 1899, từ con số vài trăm đã vọt lên con số hàng chục nghìn khắp cả nước trong suốt một thời kỳ dài từ 1903-1947, sau khi lệnh lập trường chuyên môn ban hành năm 1903. Theo lệnh này, từng địa phương có thể linh hoạt xây dựng trường đào tạo ngành nghề phù hợp tương ứng, trong đó trường dạy nghề tư thục cũng có điều kiện phát triển không kém, thậm chí có nơi trường dạy nghề do người nước ngoài xây dựng đã trở nên phổ biến, lấn át cả hệ thống đào tạo nghề công lập với tỉ lệ công – tư 4/6 hay 3/7.
Đến năm 1947, Nhật Bản thực hiện cải cách giáo dục lần hai. Chế độ giáo dục cưỡng bách chín năm được thiết lập. Khả năng đào tạo của những cơ sở dạy nghề được nâng cấp. Hệ thống giáo dục đại học được hoàn thiện. Từ thời điểm này, số trường trung học cơ sở (cấp II) hay trung học phổ thông (cấp III) tăng nhanh một cách đáng kể. Các trường chuyên môn thời quân phiệt trước đây bị huỷ bỏ thay thế bằng trường dạy nghề hoặc được nâng cấp trở thành những trường đại học mới lập.
Năm 1961, Nhật Bản thay đổi qui định hệ thống giáo dục dạy nghề trong luật giáo dục, cho phép lập “trường cao đẳng chuyên nghiệp” với học trình năm năm (gồm ba năm trung học phổ thông và hai năm chuyên tu) cùng tồn tại song song với trường dạy nghề đã có. Năm 1975, để đáp ứng yêu cầu nhân lực bổ sung cho hệ thống “đại học ngắn hạn” (2-3 năm) hay hệ thống đại học chính qui với học trình bốn năm, vốn không mấy hiệu quả phản ánh qua tỉ lệ tìm được việc làm khó khăn. Bộ Giáo dục Nhật Bản cho phép thành lập trường “chuyên tu kỹ thuật” gọn nhẹ và tập trung đào tạo cán sự kỹ thuật để giảm bớt sức ép trong việc tranh nhau thi vào cửa hẹp của đại học do nhân khẩu trưởng thành tăng đột biến sau Thế chiến thứ hai. Các học sinh rớt trong kỳ thi tuyển chọn vào đại học được hướng vào trường dạy nghề cụ thể với thời gian ngắn hơn.
Như vậy có thể hiểu là trước khi nền kinh tế tri thức được xác lập vào những năm cuối thập kỷ 1990, học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở (cưỡng bách) có thể vào học trường cao đẳng chuyên nghiệp, trong khi học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông (cấp III) có thể theo học chuyên tu kỹ thuật với khả năng tìm được việc làm dễ dàng hơn vì có nghề và kỹ năng.
ĐỨC
Ở Đức không thể nào có một người gọi là thợ điện, thợ hồ, thợ hớt tóc, hay bất cứ nghề nào mà không có bằng cấp học nghề, nghĩa là đã tốt nghiệp học nghề theo qui định của nhà nước. Và công việc của họ rất chuẩn mực, rất “din norm” (tiêu chuẩn hoá). Người học nghề còn phải học văn hoá, lại có cơ hội để học thêm về quản trị xí nghiệp nếu họ muốn, để sau này tự khởi nghiệp. Và học cả đạo đức kinh doanh. Một trong hai trường dạy nghề đầu tiên nổi tiếng của Phổ ở Berlin đã lấy lời của Christian Beuth để làm khẩu hiệu cho trường: “Trường này chỉ dành cho những người rất có khả năng, siêng năng, có tư cách đàng hoàng và có đạo đức; những người khác sẽ bị sa thải. Được gia nhập trường là một sự tuyên dương. Sự siêng năng kinh doanh không thể không đi kèm với đạo đức. Nhà trường không có hình phạt nào khác hơn sự sa thải khỏi trường”. Nhà văn Đức nổi tiếng Theodor Fontane cũng từng học ở đây. Nếu như Wihelm Von Humboldt là người đã làm cuộc cải cách giáo dục đại học và trung học đem lại sự vinh quang cho nền khoa học Đức, cung cấp cho nền công nghiệp Đức những nhà khoa học lỗi lạc để tạo sức bật bứt phá thì Christian Beuth chính là người có công lớn nhất trong việc xây dựng và phát triển giáo dục dạy nghề, tăng cường nội lực dân tộc và làm động lực cho công cuộc công nghiệp hoá của Đức thế kỷ 19, chuyển đổi nền kinh tế từ đóng kín sang nền kinh tế thị trường mở.
Thế kỷ 19, lúc nước Đức dốc toàn lực để canh tân và xây dựng đất nước bị trì trệ, chạy đua với các cường quốc khác đã phát triển như Anh, Pháp, là thế kỷ có lẽ ấn tượng nhất trong sự phát triển về mọi mặt của nước này. Chính trong giai đoạn này rất nhiều tài năng đã xuất thân từ lớp người “thợ thủ công” ngành cơ khí như Krupp, Siemens, hay chế tạo máy như Borsig, Henschel, Dinnendahl… Họ là những “người khổng lồ” đã xây dựng cơ đồ cho nước Đức, là những “khai quốc công thần” trong kỹ nghệ. Ngành thủ công của Đức phát triển đều khắp, trở thành ngành chiến lược của Đức, cái nòi lao động tay nghề cao của công cuộc công nghiệp hoá.
Ở châu Âu, Đức có lẽ là nước có mạng lưới giáo dục nghề tốt nhất, dày đặc nhất. Pháp có thể có số tiến sĩ đông hơn Đức, nhưng ngược lại lực lượng lao động được đào tạo nghề ở Đức là hùng mạnh hơn bất cứ nước nào.
Người Đức, tuy kính nể đến độ “kính sợ” trước những ai có chức danh giáo sư, nhưng lại rất xem trọng nghề thủ công và sống rất hãnh diện với nó, không mặc cảm hay tự ti. Họ sống rất xứng đáng vì họ có những đóng góp rất lớn cho lợi ích của xã hội, kinh tế, nghệ thuật… Cố thủ tướng Phạm Văn Đồng là người rất yêu ngành giáo dục nghề của Cộng hoà Dân chủ Đức (nhưng tiếc thay đến nay Việt Nam vẫn chưa học hỏi điều gì hữu ích từ Đức). Người dân tận tụy trong công việc với thái độ yêu nghề sâu sắc dù khó nhọc đến đâu. Không có nghề thấp kém hay làm cho con người thấp kém. Chính những người thợ tay chân kia mới góp phần “làm sạch đẹp” xã hội và nâng cấp nó, nâng cấp chính bản thân và gia đình mình, có ích cho toàn xã hội.
Dạy nghề không chỉ đơn thuần góp phần giải quyết nạn thất nghiệp cho thanh niên. Ngoài ý nghĩa to lớn, sống còn của nó đối với công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá, nó còn có tính triết học, đạo đức cao. Thái độ của con người và xã hội, triết lý sống của dân tộc đối với công việc lao động thủ công chính là thước đo của đạo đức. Việt Nam và có lẽ đa số các nước theo Khổng giáo, hay châu Á (trừ Nhật Bản), người ta coi khinh các nghề thủ công, chỉ xem trọng chữ nghĩa, để móng tay dài để chứng tỏ mình thuộc giai cấp “quí phái” không phải lao động chân tay. Thậm chí những người lao động tay chân cũng để móng tay dài để nghĩ rằng mình cũng thuộc loại hạng “sang”. “Trời tạo ra không ai sang hơn, hoặc hèn hơn” như Pukuzawa Yukichi nói là điều có thể áp dụng tại đây.
Việt Nam cần nhanh chóng tiến tới “định chế hoá” việc giáo dục nghề, từ các nghề “xoàng” đến các nghề cao cấp. Cần phải cưỡng bức giáo dục nghề cho thanh thiếu niên. Chỉ những ai có bằng học nghề thành đạt mới có điều kiện hành nghề dễ dàng, mới có đủ uy tín với người chủ hay người sử dụng lao động và đủ năng lực thực hiện công việc một cách tiêu chuẩn hoá. Họ là những người thả vào đâu làm cũng được việc và chất lượng “như nhau”, tối thiểu phải đạt tiêu chuẩn quốc gia.
Hồng Lê Thọ (Tokyo)
Nguyễn Xuân Xanh (Đức)
(Theo Tuổi trẻ chủ nhật)